Pages

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Tết đìu hiu ở làng mứt gừng xứ Huế

Tết đìu hiu ở làng mứt gừng xứ Huế


Cận Tết, làng mut gung Kim Long (phường Kim Long, TP Huế) đìu hiu không khác mấy ngày thường. Những người gắn bó với nghề cứ lắc đầu nguây nguẩy khi ai đó hỏi chuyện làm ăn dịp chính vụ này.

Bà Trần Thị Hai, 70 tuổi, vừa đóng bao mứt gừng vừa buồn rầu bảo: “Mứt gừng là nghề truyền thống xưa nay ở làng Kim Long. Nhưng những năm trở lại đây người làm nghề không còn ai mấy mặn mà vì hàng làm ra không bán được bao nhiêu, giá thành lại rẻ, không tương xứng với công sức bỏ ra”.

Theo bà Hai, cả phường Kim Long bây giờ chỉ còn 5-7 nhà làm mứt gừng, trong khi ngày trước cả làng hầu như nhà ai cũng thổi bếp làm món này dịp Tết.

Được bố truyền lại nghề, bà Hai cho biết đến đời con bà đã là đời thứ bốn làm mứt gừng. Nhưng các con của bà không có ai quyết tâm theo, dù Tết đến thấy mẹ soạn đồ làm mứt, con cháu đều xúm một tay. “Tôi sợ khi mình mất đi rồi, nghề làm mứt gừng của gia đình cũng mất, bếp lửa nấu mứt ở làng Kim Long này cũng tắt”, bà Hai nói.

mut gung

Bà Hai cho biết nghề làm mut gung ở làng Kim Long chẳng biết có từ khi nào, chỉ nghe các cụ trong làng kể lại ngày xưa vua chúa và dòng dõi quý tộc muốn một món ăn ngày tết có hơi ấm để chống chọi với cái rét của miền Trung. Rồi những người trong làng nghĩ ra cách làm mứt bằng cách dùng thứ gừng tươi, cay xé lưỡi từ trên cầu Tuần (huyện Hương Trà) về cạo vỏ, rửa sạch, bào lát nhỏ, luộc chín rồi bỏ vào chảo rim, sau đó đem ra đảo khô.

Những người hoàng tộc khi ăn mứt này, vừa nhâm nhi li trà nóng, thấy cảm giác khoan khoái. Rồi cứ thế, mứt gừng Kim Long ngày một nhiều người cùng làm, tạo nên thương hiệu.

“Điểm quan trọng nhất trong các công đoạn làm mứt gừng là giai đoạn rim. Đó là người làm mứt phải biết tra gia vị đường ở mức vừa phải để khi rim xong mứt vừa giòn, vừa dẻo lại vừa thơm mùi đặc trưng”, bà Hai nói.

Say sưa kể về mứt gừng, rồi bà lại trầm ngâm như lo lắng về điều gì đó. “Bây giờ đâu riêng gì làng Kim Long làm mứt gừng nữa. Nhiều làng khác ở huyện Hương Trà, Phong Điền cũng đua theo làm mứt. Tuy không giữ được cái vị thơm ngon nhưng ai cũng tranh nhau cái thương hiệu mứt gừng Huế. Nhiều người làm nhưng lượng mua lại có hạn, trong khi chất lượng ngày một giảm sút dẫn đến người mua cũng ít dần”, bà Hai phân trần.
mut gung
Mỗi gói mứt gừng Kim Long 500g như thế này giá bán gốc chỉ có 25.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Đông.


Cùng nỗi niềm như bà Hai, chị Trương Thị Tuyết, một thợ làm mứt gừng lành nghề ở Kim Long cũng lắc đầu: “Nghề làm mứt chỉ thịnh vào đợt Tết nhưng đến giờ những người gắn bó với nghề chỉ đếm chưa đủ đầu ngón tay. Cả năm mong đến vụ làm mứt để có tiền dành sắm Tết nhưng làm rồi tiền công chả được bao nhiêu!”

Gừng tươi ở Huế không còn nhiều. Những người thợ làm mứt gừng phải nhập gừng từ Đắc Lắc về nên giá thành cũng cao hơn trước. Năm nay nhà chị Tuyết làm 1 tấn gừng, trong khi những năm trước nhà chị cần đến 10 người làm 4-5 tấn, đến nay mới chỉ xuất được hơn một nửa.

Tính ra mỗi người làm mứt gừng phải bỏ ra số vốn từ 60-70 triệu đồng mua nguyên liệu, chưa kể công nhưng gừng làm ra chỉ bán được 50.000 đồng/kg. Nếu tính toán không cẩn thận, tìm đầu ra cho sản phẩm thì những hộ làm mứt gừng đứng trước nguy cơ lỗ nặng.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó chủ tịch kinh tế phường Kim Long, thừa nhận những người làm mứt gừng truyền thống ở Huế đã giảm nhiều so với những năm trước bởi mứt làm ra không bán được bao nhiêu.

“Thực tế ngoài việc nhiều người dân ở các vùng khác cùng làm mứt gừng, tạo ra nguồn hàng quá lớn, còn có nguyên nhân thị hiếu của người dân bây giờ không mấy mặn mà với mứt gừng vừa rẻ vừa ngon. Giờ đời sống kinh tế phát triển, người ta thường chú trọng đến những món ăn ngày Tết đắt tiền, sang trọng”, ông Tuấn lý giải.

Để duy trì làng nghề truyền thống này, phường Kim Long đã có chính sách tạo điều kiện cho những hộ làm mứt gừng tín chấp vay ngân hàng để lấy vốn mua nguyên liệu. Tuy nhiên theo ông Tuấn, chính sách này cũng không khả thi vì chính những người làm mứt gừng không còn mấy mặn mà với nghề cho thu nhập thấp.




Nguyễn Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét